Bối cảnh Chiến_tranh_Kim-Tống_(1217-1223)

Sau cuộc chiến tranh kéo dài hai năm từ 1206 đến 1208, hai nước Tống-Kim thiết lập lại hòa bình với bản Hòa ước Gia Định, tăng tiền triều cống lên 30 vạn, hai bên xưng nước bác nước cháu. Nhưng ngay sau đó, nước Kim chính thức bước sang thời kì rối loạn và suy yếu. Cuối năm 1208, Kim Chương Tông (1189 - 1208) mất không có con nối dõi, Hoàng thúc Vệ vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế được nối ngôi[1]. Kim chủ Vĩnh Tế bất tài vô dụng, không thể giữ được đất nước. Trong cung nước Kim khi đó có hai phi tần là Giả thị và Phạm thị đang mang thai cốt nhục của cố chủ Cảnh, Vĩnh Tế lo sợ đế vị lung lay nên cùng Bộc Tán Đoan tìm kế, rồi giả truyền di chiếu nói Giả thị sinh nở từ tháng 11 nhưng nay đã quá hạn, còn Phạm thị sinh vào tháng giêng mà nay ngự y chẩn đoán không thấy thai, hai người bị ép làm ni cô. Nguyên phi Lý thị vốn gần gũi với Giả thị, biết được mưu đồ đó. Vĩnh Tế liền giết chết Lý thị rồi bảo là lâm bệnh qua đời. Người nước Kim tỏ ra bất bình.

Đúng lúc đó nước Kim lại phát sinh họa ngoại xâm. Từ năm 1209, Thiết Mộc Chân (tức Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ) bắt đầu đem quân xâm lược nước Kim, nước Kim đã suy yếu nên thua hết trận này đến trận khác. Giữa lúc đó trong triều phát sinh nội biến. Năm 1213, tướng Hồ Sa Hổ oán hận vì bị bãi chức liền tập hợp quân mã xông vào cung giết Kim chủ Vĩnh Tế, đưa anh Chương Tông là Dực vương Hoàn Nhan Tuân nối ngôi, tức là Kim Tuyên Tông[2]. Ít lâu sau tướng khác là Thuật Hổ Cao Kì bị Hồ Sa Hổ mắng tội vì thua trận trước Mông Cổ nên lại phát động chính biến giết Hồ Sa Hổ. Sau đó quân Mông Cổ lại đánh xuống phía nam. Kim chủ sai Hoàn Nhan Thừa Huy phải cắt đất nghị hòa với Mông Cổ; khi người Mông rút đi thì Kim chủ quyết định dời đô từ Yên Kinh về Biện Kinh(1214), để thái tử Hoàn Nhan Thủ Trung ở lại giữ Yên Kinh. Thiết Mộc Chân nghe Kim chủ dời đô lại đánh xuống phía nam. Kim chủ lo sợ vội triệu thái tử về nam, quân Kim ở Yên Kinh càng mất tinh thần, không sau chống nổi quân Mông. Tướng giữ thành Hoàn Nhan Thừa Huy uống rượu độc tự vẫn, Mục Diên Tận Trung bỏ chạy về nam. Tháng 5 ÂL năm 1215, Thiết Mộc Chân hạ được Yên Kinh, khống chế toàn bộ phía bắc sông Hoàng Hà. Nước Kim ngày càng suy yếu, không thể chống đỡ nổi quân Mông.

Sau khi dời đô, Tuyên Tông sai sứ đến Tống đốc thúc phần tiền thuế còn thiếu. Tống Ninh Tông cùng phụ thần bàn bạc song ý kiến không được thống nhất, một phía chủ hòa đề nghị tiếp tục nhân nhượng với Kim, phái chủ chiến yêu cầu không nên nộp thuế cho Kim nữa. Cuối cùng Ninh Tông nghe lời của Chân Đức Tú bỏ việc triều cống, nhưng vẫn giữ mối hữu hảo, sai sứ sang Kim chúc mừng ngày tết và ngày sinh nhật. Cũng trong năm 1214, Hạ chủ Lý Tuân Húc vì bị bất mãn với Kim nên đã sai sứ đến Tống bàn việc liên minh tấn công Trung Nguyên, Ninh Tông không nghe. Hình bộ thị lang Lưu Dược và các thái học sinh cũng đều hết mực can ngăn nhưng không được[3]. Tháng 9 ÂL năm 1215, Chân Đức Tú lúc này được bổ nhiệm làm Giang Đông chuyển vận sứ dâng sớ nêu năm điều mà triều đình cần thực hiện để chấn hưng đất nước

  1. Không được quên nỗi nhục của tổ tông
  2. Không nên chủ quan với bọn giặc cướp trong nước
  3. Không được quên việc tích cực phòng bị bọn Rợ ở phía bắc
  4. Không nghe lời gièm pha, li gián
  5. Không bỏ qua những lời hay

Ninh Tông khen ngợi là thẳng thắn nhưng vẫn không có hành động gì[3].